Lắp camera cùng khắp rồi làm gì?

Cảm nhận gì khi đọc tin “Huế áp dụng quản lý đô thị thông minh… Hơn 100 camera được lắp trên toàn tỉnh có chức năng nhận diện biển số, cảnh báo sai phạm… giúp cơ quan chức năng tiếp nhận và xử lý nhanh chóng”?

Lắp camera cùng khắp rồi làm gì?

Nếu đứng từ phía người dân cùng những nhà quản lý xã hội hầu như “bó tay”, tỷ như qua vụ băng côn đồ móc túi cùng hàng quán “đểu” đã chiếm cứ bến xe buýt Suối Tiên và sau đó bị công an triệt phá (Pháp luật TPHCM 24-10-2019), thì camera hứa hẹn là một công cụ mới có khả năng giúp giải quyết những tai ách ngày ngày trong xã hội. Các tai ách đó không đếm xiết, từ chuyện dài thiếu ý thức, không tự giác chấp hành luật lệ đi đường tới chuyện đổ rác, “tiểu đường”, gây huyên náo…

Đối với những ai “hoài nghi chủ nghĩa” thì càng buộc nghĩ ngợi khi bài viết có trích dẫn lời cảm ơn của chủ tịch phường đối với tờ báo vì đã thông tin đầy đủ, chính xác giúp phường và quận xử lý triệt để băng nhóm móc túi.

“Hoài nghi” vì không rõ phường vì sao mà “bó tay” cho tới khi được báo chí đánh động ồn ào trên mặt báo. Có phải do phường không “nắm bắt” tình hình, vốn là chức trách của phường hay là cũng có “nắm bắt” song chưa ra tay vì những lý do nào đó. Trong khi, cũng theo tờ báo trên, nhiều bạn đọc cho biết từ nhiều năm nay họ đã quá quen thuộc với 16 gương mặt trong đường dây móc túi ở trạm Suối Tiên” (Pháp luật TPHCM 20-10-2019).

Muốn không còn phải “cám ơn báo chí đã thông tin đầy đủ, chính xác” thì phải có “đầu vào thông tin”. Liệu đó có phải là lý do thôi thúc làn sóng lắp camera quan sát đang “bùng nổ” khắp nơi? Từ các đô thị lớn nhỏ cho tới tận tư gia các cán bộ tỉnh ủy một tỉnh miền Tây được giải thích “là những điểm phòng chống khủng bố nằm trong quy định”, sau đó bị “huýt còi” phải dẹp (Zing 30-9-2019).

Nếu quả thật tình hình bất trắc de dọa sự an nguy của xã hội như ở bến xe Suối Tiên hay của các cán bộ chủ chốt như ở tỉnh miền Tây vừa nêu, không thể không đặt dấu hỏi: Vậy chớ an ninh địa phương ở đâu, làm gì? Những phát biểu như thế có phải đã vô tình phủ định vai trò của các bộ phận an ninh công cộng?

Thế nhưng, một khi đã gắn camera đại trà rồi, sẽ phải tính đến các biện pháp xử lý. Tỉ như ở Suối Tiên, nếu có camera giám sát, liệu có thể hy vọng sẽ kịp thời ra tay? Dẫu sao, trước mắt có thể tin rằng việc sử dụng camera để giám sát và sau đó phạt nguội các trường hợp vi phạm, từ đó hoan nghênh việc “camera hóa”.

Trong làn sóng “camera hóa”, đang có những định nghĩa, giải thích về công dụng, như của tỉnh Vĩnh Long: “Các camera sẽ được lắp ở các cửa ngõ của tỉnh trên quốc lộ, nơi giao cắt giao thông quan trọng và những vị trí nhạy cảm cần được bảo vệ như kho bạc, Ngân hàng Nhà nước, những nơi phức tạp về an ninh trật tự có thể tụ tập đông người…”. (VietNamNet 25-10-2019).

Liệu “định nghĩa” như trên đã trọn vẹn chưa khi dừng lại ở “những nơi phức tạp về an ninh trật tự có thể tụ tập đông người”? E rằng đã đến lúc có một định nghĩa đầy đủ về việc này cùng những việc cần phải làm sau đó: sẽ chỉ phạt nguội là chủ yếu hay sẽ còn là can thiệp, xử lý nhanh khi có sự cố trong một danh mục vị trí rộng rãi hơn là chỉ ở “những nơi phức tạp có thể tụ tập đông người”?

Trên thế giới đang có xu thế “Technopolice” (tạm dịch: sử dụng kỹ thuật làm công tác cảnh sát), trong đó có camera nhận diện. Song, “camera hóa” để giám sát e rằng chưa đủ, mà còn để can thiệp, xử lý nhanh. Trong góc nhìn đó, sẽ cần quan niệm lại hệ thống an ninh công cộng như thế nào.

Sẽ thay sức người bằng sức máy trong giám sát thực địa, tức giảm quân số khi thay bằng camera như ở các nước khác, tỷ như ở Anh – một trong những nước tiên phong sử dụng camera thay cảnh sát mà người viết bài đã biết từ năm 1996. Song, điều đó cũng có nghĩa là sẽ cần tiến tới một lực lượng phản ứng nhanh trong mọi sự cố đe dọa an ninh từ cá nhân tới công cộng.

Trong làn sóng “camera hóa” đang diễn ra ở đây, ở kia, thiết tưởng cần nhắc lại những quy định về đấu thầu khi mà các con số dự chi đã lên đến hàng trăm tỉ đồng. Có cảm giác như sau các vụ trọng án với số tiền của Nhà nước bị đánh cắp lên tới hàng ngàn tỉ đồng thì con số tiền tỉ trong tư duy chi ngân sách địa phương nay đang “rẻ như bèo”.

Nhưng thật tình mà nói, 200 tỉ đồng chi cho việc “camera hóa” ở Vĩnh Long cũng tương đương 8 triệu đô la Mỹ chớ không “rẻ” gì! Cuối cùng, “camera hóa” chỉ là một mảnh trong bức tranh ghép đô thị thông minh, chớ không là tất cả.

Theo : https://www.thesaigontimes.vn/296151/lap-camera-cung-khap-roi-lam-gi-.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay

Facebook Chat

Zalo Chat