Bạn cần internet tốc độ bao nhiêu là đủ khi đăng ký gói Internet ?
Các nhà cung cấp dịch vụ Internet luôn muốn người dùng mua những gói cước có tốc độ cao hơn. Tuy nhiên, bỏ qua mọi yếu tố “chiêu trò” marketing của nhà mạng, bạn có bao giờ tự đặt ra câu hỏi: mình cần tốc độ mạng bao nhiêu là đủ? Câu trả lời sẽ phức tạp hơn so với bạn nghĩ đấy! Một gói cước tốc độ cao không phải lúc nào cũng đáng “đồng tiền bát gạo” hơn đâu!
Tốc độ kết nối Internet thường được đo bằng đơn vị megabit trên giây, viết tắt là Mbps. 8 megabit (Mb) bằng 1 megabyte (MB); do vậy nếu kết nối Internet nhà bạn có tốc độ 1000 Mbps (1 gigabit), sẽ mất 8 giây để tải xuống tập tin có dung lượng 1 GB.
Tốc độ truy cập và giới hạn dữ liệu
Đây là hai khái niệm thường bị nhầm lẫn với nhau, nhất là trong một số trường hợp, nhiều người thường hay gọi tốc độ truy cập là “giới hạn băng thông”. Tốc độ kết nối Internet là khái niệm dùng để chỉ lượng dữ liệu mà bạn có thể tải xuống ở cùng một thời điểm, còn giới hạn dữ liệu chỉ lượng dữ liệu bạn được phép tải xuống trong một tháng.
Hai khái niệm này thực sự có liên quan với nhau, ở chỗ: nếu bạn có tốc độ kết nối cao hơn (với điều kiện là bạn phải sử dụng được tối đa băng thông mà mình có) thì bạn cũng sẽ dùng hết giới hạn dữ liệu của mình trong thời gian ngắn hơn.
Khái niệm giới hạn dữ liệu thường xuất hiện trong ngành công nghiệp di động, trong đó các nhà mạng thường áp đặt một giới hạn dữ liệu mà bạn có thể tải xuống/ tải lên qua điện thoại của mình mỗi tháng. Trên thực tế, đây thường là cách mà các nhà cung cấp dịch vụ sử dụng để chia các gói cước, và buộc bạn phải trả nhiều tiền hơn nếu muốn sử dụng những gói cước “cao cấp” hơn.
Dù vậy, nhu cầu về dữ liệu của người dùng thường tăng nhanh hơn khả năng đáp ứng của các nhà mạng.
Khái niệm giới hạn dữ liệu cũng xuất hiện ở các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) gia đình. Một số ISP ở Mỹ như Comcast cũng áp đặt một định mức sử dụng dữ liệu đối với các thuê bao gia đình, thường là 1 terabyte dữ liệu (1024 GB) mỗi tháng – và họ sẽ yêu cầu bạn đóng thêm 50 USD mỗi tháng nếu muốn loại bỏ giới hạn này.
Theo Comcast, đa số các thuê bao Internet sử dụng gói cước trọn gói trung bình chỉ sử dụng khoảng 174 GB dữ liệu mỗi tháng (ở thời điểm tháng 12 năm 2018). Nhưng nếu gia đình bạn có nhiều người sử dụng cùng lúc và thường xuyên stream các nội dung đa phương tiện (như phim ảnh), thì bạn rất có khả năng sẽ sử dụng hết giới hạn dữ liệu đó.
Tham khảo : Những Vị trí đặt Router wifi tốt nhất
Ứng dụng nào “ngốn” băng thông nhiều nhất?
Tốc độ kết nối Internet, suy cho cùng, cũng là băng thông (bandwidth). Nếu kết nối Internet nhà bạn có tốc độ 25 Mbps, thì bạn có thể stream 5 bộ phim Netflix ở tốc độ 5 Mbps ở cùng một thời điểm. Hiện nay, ở Mỹ, tốc độ Internet trung bình đã gần chạm ngưỡng 100 Mbps; do đó đa số người dùng khó có thể sử dụng hết lượng băng thông đó được.
Tuy nhiên, ở một số vùng ngoại thành và nông thôn Mỹ, tốc độ Internet tối đa vẫn đang dừng lại ở mức một con số. Để so sánh, năm 2018, tốc độ kết nối Internet trung bình của Việt Nam đạt 6,7 Mbps.
Nhìn chung, stream phim là tác vụ “ngốn” băng thông nhiều nhất – ít nhất là đối với người dùng phổ thông. Dịch vụ stream phim Netflix sử dụng băng thông khoảng 5 Mbps để stream một bộ phim có độ phân giải 1080p, và khuyến nghị người dùng cần có đường truyền mạng tối thiểu là 25 Mbps để stream phim ở độ phân giải 4K.
YouTube thậm chí còn sử dụng nhiều băng thông hơn, do nhiều video đăng tải trên trang này được quay ở tốc độ khung hình 60 fps (tốn băng thông gấp đôi so với video trên Netflix), và ở độ phân giải 1080p/60fps này, lượng băng thông tiêu thụ thường rơi vào khoảng 7 Mbps.
Nhưng vấn đề không chỉ có vậy. Mặc dù 7 Mbps là đủ để stream một video YouTube trung bình, song thực tế băng thông mà trang web này sử dụng có thể còn lớn hơn. Do các trang web này thường tải trước (buffer) video vào bộ đệm nhằm giúp trải nghiệm xem video của người dùng không bị gián đoạn, nên YouTube vẫn sẽ có xu hướng sử dụng “bằng sạch” băng thông mạng nhà bạn.
Trong hình dưới đây, chúng tôi sử dụng đường truyền có tốc độ 400 Mbps, và YouTube đã “ngốn” băng thông lên tới gần 250 Mbps!
Điều ngược lại cũng xảy ra. Nếu bạn không có đủ băng thông để xem video ở chất lượng cao nhất, YouTube sẽ chỉ cho phép bạn xem ở độ phân giải 480p/30fps mà thôi, hoặc thậm chí còn thấp hơn. Nhờ vậy, bạn vẫn có thể xem “mượt” với đường truyền chỉ 1 Mbps! Netflix cũng có cơ chế hoạt động tương tự, nhằm điều chỉnh chất lượng video tương ứng với tốc độ mạng của người dùng. Nếu mạng nhà bạn có nhiều thiết bị cùng sử dụng, router sẽ cân bằng lưu lượng dữ liệu giữa tất cả các thiết bị, và tốc độ stream phim của mỗi máy cũng được điều chỉnh theo một cách tương ứng.
Như vậy, trên phương diện nào đó, tốc độ Internet không phải là vấn đề duy nhất, bởi các dịch vụ stream video thường có cơ chế sử dụng tối đa băng thông có thể. Miễn là nhà bạn có tốc độ mạng đủ để stream đoạn video ở chất lượng thấp nhất, thì bạn sẽ không bao giờ bị “gián đoạn” đường truyền giữa lúc đang xem cả. Còn lại thì, băng thông càng lớn bạn càng xem được video ở chất lượng cao hơn. Nói chung thì, tốc độ càng cao thì càng tốt, mặc dù đó không phải là yếu tố quyết định tất cả.
Xem thêm : Kiểm tra tốc độ mạng internet Viettel, FPT, VNPT trên máy tính
Còn tốc độ tải lên thì sao, có đáng quan tâm không?
Tốc độ tải lên lại là một khía cạnh khác của gói cước Internet mà bạn nên lưu tâm. Thường thì, các nhà cung cấp dịch vụ Internet sẽ bán các gói cước với tốc độ tải xuống rất cao trong khi tốc độ tải lên lại thấp hơn đáng kể. Lý do là bởi người dùng thường tải xuống nhiều hơn tải lên. Điều này đúng, nhưng gặp trường hợp cần phải gửi gấp một file dung lượng lớn nào đó qua mạng, thì tốc độ “rùa bò” chắc chắn sẽ làm bạn phát điên.
Tốc độ tải lên quyết định khoảng thời gian cần để tải một lượng dữ liệu lên Internet, chẳng hạn như khi bạn phải tải tập tin lên Google Drive hoặc Dropbox. Thực tế, không chỉ tải file, mà tốc độ tải lên còn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc gọi video Facetime và Skype.
Bởi lẽ, khi gọi video, bạn không chỉ nhận (tải xuống) hình ảnh của người đối diện, mà còn đang gửi (tải lên) hình ảnh của chính mình cho bên kia xem nữa. Nếu bạn đang có dự định live stream lên các dịch vụ như Twitch hay YouTube, bạn sẽ cần đến gói cước có tốc độ mạng cao hơn.
Có thể bạn sẽ không thường xuyên cần đến tốc độ tải lên cao làm gì, nhưng khi cần, thì thường đó lại là những thời điểm rất quan trọng.
Tốc độ tải lên thường bị giới hạn bởi gói cước mà nhà cung cấp dịch vụ cung cấp cho bạn. Họ thường chỉ quảng bá tốc độ tải xuống mà thôi, và do đó bạn sẽ cần phải “lùng sục” trên trang web của họ để tìm thông tin về tốc độ tải lên của các gói cước. Như hình dưới đây, bạn có thể thấy gói cước đắt tiền nhất cung cấp tốc độ đường truyền lên đến 1 Gbps (ở chiều tải xuống), nhưng chỉ cho tải lên ở mức 35 Mbps mà thôi. Vậy là, hơn kém nhau tới 965 Mbps!
Tại Việt Nam hiện nay, nhiều nhà mạng quảng bá công nghệ đường truyền Internet cáp quang đã khắc phục được các giới hạn công nghệ của Internet ADSL cáp đồng, cho phép người dùng tải xuống và tải lên ở tốc độ ngang nhau. Trên thực tế, người viết đã thử nghiệm trên đường truyền Internet của nhà cung cấp dịch vụ Viettel và thu được kết quả khá “đúng” với quảng cáo (thậm chí trong trường hợp này, tốc độ tải lên còn “nhỉnh” hơn so với tốc độ tải xuống):
Vậy bạn cần tốc độ Internet bao nhiêu là đủ?
Có hai yếu tố chính mà bạn cần lưu tâm khi lựa chọn gói cước Internet – đó là trong gia đình bạn có bao nhiêu người sử dụng mạng và lượng dữ liệu mà mọi người sử dụng thường là bao nhiêu. Nếu bạn chỉ có nhu cầu xem video ở độ phân giải 1080p HD (không phải 4K), chúng tôi đề nghị mức băng thông tối thiểu là 5 Mbps trên mỗi người để đạt chất lượng stream ổn định nhất. Nếu bạn có điều kiện mua gói cao hơn thì càng tốt, nhưng trên đây là mức tối thiểu.
Xem thêm : Hướng dẫn Kiểm tra tốc độ mạng Wi-Fi tại nhà đơn giản nhất
Nếu công việc của bạn đòi hỏi băng thông lớn hơn bên cạnh việc xem video, chẳng hạn như thường xuyên tải lên/ tải xuống những tập tin có dung lượng lớn, thì tốc độ Internet sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất công việc của bạn. Tải xuống một game có dung lượng 10 GB trên Steam sẽ mất tới gần 4 giờ nếu bạn sử dụng đường truyền 5 Mbps, nhưng chỉ mất khoảng 15 phút nếu bạn có đường truyền tốc độ 100 Mbps. Tuy nhiên, máy chủ cung cấp file cho bạn tải vẫn có quyền “bóp” băng thông tải file của bạn; do đó đừng ngạc nhiên nếu bạn bỏ nhiều tiền mua một gói cước tốc độ cao nhưng đổi lại không được như mong đợi. Nói cách khác, ngay cả khi mua gói cước 1 Gbps để chơi game cho “đã”, nhưng đừng bao giờ kì vọng bạn có thể tải file từ Steam với tốc độ như vậy. Các công ty cũng cần phải điều tiết tài nguyên máy chủ của họ cho nhiều người dùng khác nữa chứ!
Nhìn chung, bạn vẫn có thể lướt web và thực hiện đa số các tác vụ hàng ngày ngay cả với đường truyền tốc độ khá chậm. Nếu các tác vụ tải xuống của bạn diễn ra chậm hơn so với kì vọng, hãy cân nhắc chi thêm tiền để mua những gói cước cao cấp hơn. Còn nếu bạn thường xuyên live stream, sao lưu dữ liệu máy tính lên Internet hoặc gọi điện video cho người thân, hãy cân nhắc những gói cước có tốc độ tải lên cao hơn một chút.
Dùng mạng cáp quang có nhanh hơn không?
Cáp quang thường cho tốc độ cao hơn bởi nó có thể truyền tải một lượng dữ liệu lớn hơn tại cùng một thời điểm. Với băng thông chung lớn, thì các ISP có thể “chia” cho bạn một “miếng” to hơn. Nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất, mọi thứ còn tuỳ thuộc vào chính sách của nhà cung cấp dịch vụ mạng của bạn nữa.
Các đường truyền cáp quang mang đến một lợi ích nhỏ so với các đường truyền thông thường: độ trễ thấp. Độ trễ là tốc độ tín hiệu vật lý được truyền từ máy tính của bạn tới mạng Internet. Các sợi cáp quang về mặt kĩ thuật không mang đến tốc độ cao hơn so với những sợi cáp đồng “xịn”, song vì nó là tiêu chuẩn mới, do đó hoạt động hiệu quả hơn so với những sợi cáp đã có tuổi thọ hàng thập niên được trang bị trên các hệ thống mạng băng thông rộng phổ biến.
Thực ra, độ trễ cũng không có ảnh hưởng quá nhiều. Độ trễ thường xảy ra khi bạn nhấp chuột vào các liên kết trên trang web – độ trễ lớn đồng nghĩa với việc thời gian chờ trước khi trang web tiếp theo bắt đầu tải lâu hơn – nhưng trong đa số trường hợp, bạn sẽ không nhận ra sự khác biệt đáng kể. Sự khác biệt đáng kể nhất xảy ra khi chơi game trực tuyến; bạn sẽ nhận thấy rằng trong khi mình đang chờ đường truyền Internet của mình tải, thì đối thủ đã thực hiện được cả chục thao tác trước đó rồi.
Nhưng nhìn chung thì sự khác biệt giữa cáp quang và cáp đồng còn “tốt” chỉ đo được bằng mili giây, do đó trong đa số trường hợp, người dùng thông thường khó có thể nhận ra.
Theo : Vnreview
Bài viết liên quan: